Như đã đưa tin, tình trạng du khách không mặc áo phao liều mình ngồi trên những con đò mỏng manh đang diễn ra hàng ngày tại khu du lịch sinh thái Thung Nham (Hoa Lư, Ninh Bình). Thế nhưng, ban quản lý cũng không kiểm soát hay có biện pháp đảm bảo an toàn nào cho du khách. Không những vậy, ở bến đò vào Hang Bụt, những chiếc áo phao được treo ở một góc, không được phát cho du khách.
|
Du khách thản nhiên không mặc áo phao, ngồi đò vào trong động, bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra.
|
Trao đổi với Luật sư Lương Thành Đạt - Công ty luật LTD Kingdom về vấn đề này, luật sư cho biết, việc đơn vị quản lý khu sinh thái Thung Nham là Công ty CP Dịch vụ Thương mại & Du lịch Doanh Sinh để cho du khách cũng như lái đò không mặc áo phao khi đi đò qua sông thăm quan, vãn cảnh là vi phạm quy định pháp luật.
Theo đó, từ ngày 1/7/2016, Nghị định 132 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa” bắt đầu có hiệu lực thi hành. Trong đó, quy định xử phạt tiền (Điều 27 của Nghị định) đối với hành khách đi trên phương tiện chở khách ngang sông (đò, phà) mà không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân (có hình hộp chữ nhật, đeo vào tay) là 100.000 đồng - 200.000 đồng.
Người lái phương tiện, thuyền viên có trách nhiệm phát, hướng dẫn cách sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cho hành khách. Trường hợp không hướng dẫn cách sử dụng thiết bị, dụng cụ an toàn cho người, hành khách trên phương tiện bị cảnh cáo hoặc phạt tiền (ví dụ từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với phương tiện chở đến 12 khách).
Hành khách nếu không chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện, không chấp hành sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng.
|
Bến đò vào Hang Bụt, những chiếc áo phao treo chỏng chơ một góc, không được sử dụng.
|
Theo quy định tại Luật Đường thủy nội địa được sửa đổi, bổ sung: “Đường thủy nội địa là luồng, âu tàu, các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch hoặc luồng trên hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo thuộc nội thuỷ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải”.
Tỉnh Ninh Bình đã ban hành quyết định 1649/QĐ-UBND, ngày 31/12/2009 về tuyến đường thủy nội địa tại địa phương bao gồm 12 sông kênh với tổng chiều dài tuyến là 143,3 km. Theo quy định mới trên, việc mặc áo phao, phương tiện nổi cho du khách khi đi đò, thuyền cũng được hiểu như việc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Đối chiếu với các quy định trên, hành vi không mặc áo phao, dụng cụ nổi khi đi trên các phương tiện chở khách, không có trách nhiệm hướng dẫn việc mặc áo phao, dụng cụ nổi là vi phạm quy định của pháp luật, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Dọc tuyến sông không thể khẳng định được độ sâu ở tất cả mọi vị trí đều dưới 1m là không nguy hiểm, không ảnh hưởng, bởi vậy, việc mặc áo phao, dụng cụ nổi khi đi trên đò, thuyền phải được áp dụng đối với mọi trường hợp.
Trước những vấn đề được phản ánh, ông Phạm Công Chất – Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Thương mại & Du lịch Doanh Sinh (đơn vị quản lý khu du lịch Thung Nham) lại cho rằng, mực nước ở khu du lịch nông, không ảnh hưởng đến sự an toàn của du khách. Vị này giải thích, mực nước hiện tại chỉ sâu chưa đến 1m nên du khách chủ quan không mặc. Hơn nữa, chiếc thuyền dùng để đưa khách qua sông “đều bằng sắt, đóng đúng quy chuẩn là mỏng, không thể đóng dày bởi nếu không sẽ bị nặng không di chuyển được”. |
Nhất Bắc – Quốc Vương