14 – 15 tuổi, khác với những đứa trẻ bình thường, các học viên tại Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình đã phạm đủ loại tội danh từ giết người, hiếp dâm đến trộm cắp… Những đứa trẻ lỗi lầm ấy giờ đây đang hàng ngày, hàng giờ cải tạo với mong muốn hoàn lương, trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng.
Trung tá Vũ Thị Quý cùng các học viên. Ảnh: A.Ngọc
Những mảnh đời tội lỗi
Vẻ bề ngoài xinh xắn, lối nói chuyện dễ nghe cùng nụ cười thân thiện, đấy là những ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với học viên Nguyễn Thị Nga (16 tuổi) tại Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng, ẩn phía sau vẻ bề ngoài hồn nhiên đó, là sự day dứt khôn nguôi của Nga khi nhớ về tội ác mà bản thân đã gây ra.
Đôi mắt ngấn lệ, Nga ngậm ngùi chia sẻ, dù đã gần 2 năm trôi qua, nhưng Nga vẫn không sao quên được cái ngày đen tối ấy. Đó là chiều 23/7/2014, bố đi vắng, em trai đi học chưa về, chỉ có Nga và mẹ ở nhà dọn dẹp. Khi mọi việc xong xuôi, Nga có dùng điện thoại của mẹ nhắn tin cho bạn hỏi chuyện học hành. Phát hiện ra sự việc, mẹ Nga cho rằng con gái nhắn tin với bạn trai nên đã buông lời trách mắng. Thế rồi mẹ con lời qua tiếng lại, trong cơn bực tức không làm chủ được hành vi, Nga đã lấy con dao gần đó đâm mẹ ruột của mình. Nhát dao oan nghiệt đó đã vĩnh viễn cướp đi mạng sống của người mẹ, biến Nga trở thành kẻ giết người.
Thời điểm gây án, Nga mới vừa hoàn thành xong chương trình học lớp 8. Cô bé phạm tội khi chưa đủ 14 tuổi nên bị đưa vào Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình. Với tội danh của mình, Nga phải làm bạn với song sắt và bốn bức tường lạnh lẽo của phòng giam thời hạn 24 tháng. Trong cuộc trò chuyện với PV, Nga đã khóc rất nhiều khi nhắc về mẹ. Cô bé tỏ ra vô cùng ân hận trước tội ác mà mình đã gây ra.
Được biết, Nga xuất thân trong một gia đình nghèo khó ở miền rừng núi heo hút của huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai). Cuộc sống của gia đình chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy. Trong suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường trước khi phạm tội, Nga luôn là học sinh tiên tiến. Đối với gia đình, Nga cũng được nhiều người đánh giá là ngoan ngoãn, biết vâng lời mẹ cha. Nói về nguyên nhân khiến phạm tội, cô bé thành thật: “Nhà cháu không khá giả nhưng sống rất hạnh phúc. Chưa bao giờ trong nhà xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Bố mẹ đều yêu thương con cái hết mực. Nguyên nhân chính khiến cháu gây ra lỗi lầm trên là do mẹ phát hiện ra cháu có bạn trai”.
Năm học lớp 8, Nga bắt đầu cảm mến một bạn khác giới học cùng trường. Do không có điện thoại riêng nên thỉnh thoảng Nga vẫn lén lấy điện thoại của mẹ nhắn tin cho bạn. Sau đó sự việc bị bại lộ, Nga bị bố mẹ mắng. Ngoài ra, Nga còn bị bố mẹ ngăn cấm chuyện yêu đương để tập trung vào việc học hành. Hôm xảy ra vụ việc, Nga lấy điện thoại của mẹ nhắn tin cho bạn, nhưng lần này là nhắn tin cho một bạn gái để hỏi về việc học hành. Tuy nhiên, mẹ tưởng Nga lại “tái phạm” nhắn tin cho bạn trai nên hai mẹ con mới xảy ra tranh cãi và dẫn đến vụ án mạng đau lòng.
Cùng mang tội danh giết người, nhưng học viên Lộc Thành Tú (SN 2001, quê ở Tuyên Quang) lại là đứa trẻ đáng thương hơn đáng trách. Ngay từ khi sinh ra, Tú đã không được nhà nội công nhận, em lớn lên nhờ bàn tay chăm sóc của người mẹ cùng gia đình bên ngoại. Do gia cảnh nghèo khó nên Tú phải nghỉ học từ rất sớm. Đầu năm 2015, người mẹ nói cho Tú biết chuyện đang nợ người khác 8 triệu đồng, giờ không có khả năng trả nên đang bị hối thúc. Bị dồn tới bước đường cùng, người mẹ này đã bàn với con trai lên kế hoạch giết chủ nợ. Khi đó Tú chưa tròn 14 tuổi, với lối suy nghĩ vẫn còn non nớt đã vâng theo lời mẹ chỉ bảo. Ngày 5/1/2015, Tú và mẹ đã thực hiện hành vi tội ác. Sau khi sát hại chủ nợ, cả Tú và mẹ nhanh chóng bị bắt giữ. Do thời điểm phạm tội, Tú chưa tròn 14 tuổi nên chưa phải chịu trách nhiệm hình sự. Tú chỉ bị đưa đi trường giáo dưỡng, thời hạn 24 tháng. Còn mẹ của Tú bị tòa tuyên phạt 20 năm tù giam.
Cơ hội làm lại cuộc đời
Học viên Nga đang nỗ lực cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng.
Một mảnh đời khác cũng khiến chúng tôi day dứt khôn nguôi. Đấy là trường hợp của học viên Phạm Thu Trà (16 tuổi, quê Bắc Ninh). Ngay khi Trà còn nhỏ, người cha đã bỏ đi biệt tích. Một mình mẹ Trà vật lộn với đủ nghề, nuôi hai con. Thiếu đi sự giáo dục của cha, còn mẹ đi làm tối ngày để kiếm miếng cơm, manh áo nên Trà có cuộc sống tự do, buông thả từ khá sớm. Mới 15 tuổi, Trà đã trải qua 4 mối tình. Chính vì lẽ đó, mặc dù còn trẻ tuổi nhưng Trà tỏ ra khá lọc lỏi sự đời.
Sống buông thả, không có ước mơ, Trà dần sa chân vào các tệ nạn xã hội. Khi thiếu tiền ăn chơi, Trà bắt đầu trộm cắp. Rất nhiều lần, Trà bị bắt quả tang và xử phạt hành chính. Hồn nhiên ngồi bấm những đốt tay, Trà bảo đã tham gia 10 vụ ăn cắp. Nạn nhân của Trà hầu hết là người nhà, hoặc người thân quen. Trà nói rằng, mình chỉ ăn cắp vặt, lúc thì tiền mặt, khi cái điện thoại hoặc sơi dây chuyền. Cứ hễ ai sơ hở cái gì là Trà “thó” cái đó. Trước khi vào trường giáo dưỡng, phi vụ lớn nhất mà Trà thực hiện là 4 triệu đồng. Nói về dự định sau khi ra trường, Trà chia sẻ: “Có lẽ cháu sẽ không đi học nữa. Cháu lớn tuổi rồi và cũng xấu hổ với quá khứ của mình lắm. Cháu muốn đi một nơi nào đó thật xa, ít người biết tới quá khứ lầm lỗi của mình để bắt đầu làm lại cuộc đơi”.
Trao đổi với PV, Trung tá Vũ Thị Quý, Phó đội trưởng Đội giáo vụ hồ sơ (Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình) đã chia sẻ: “Trong số các em bị đưa vào trường thì nhiều nhất là phạm tội trộm cắp và hầu hết các em đều xuất thân từ những gia đình không hạnh phúc. Với các em nhỏ đã từng phạm tội, sự mặc cảm là rất lớn. Sau khi ra trường, nếu các em không được gia đình và xã hội chia sẻ thì sẽ rất tự ti và dễ tái phạm”.
Theo Trung tá Vũ Thị Quý, tại Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình, luôn có những học viên có hoàn cảnh rất đặc biệt, bố mẹ chia tay, bố hoặc mẹ bỏ đi, rồi bố mẹ bỏ con… Với những em có hoàn cảnh như vậy, khi trở về với gia đình, xã hội sẽ gặp rất nhiều khó khăn. “Làm công tác hồ sơ, buồn nhất là khi thấy học sinh cũ quay lại nhập trường lần hai. Xã hội vẫn chưa nhìn nhận đúng về các học viên trường giáo dưỡng. Họ xem các em như những người đi cải tạo. Thật ra, các em đến đây là để được giáo dục và nuôi dưỡng. Đừng xem các em như tội phạm”, Trung tá Vũ Thị Quý chia sẻ.
Theo quy định, sau khi học xong khóa học, nhà trường sẽ liên hệ với gia đình, địa phương để tiếp nhận các em trở về. Với trường hợp nhỏ tuổi, bắt buộc phải có người thân đến đón. Thế nhưng, theo Trung tá Vũ Thị Quý, nhiều gia đình “chẳng thèm” đến nhận con. Người thì lấy lý do đường xa, không biết đường, người lại bảo không có tiền… Sự thật phía sau những lý do đó là sự ghẻ lạnh của người thân đối với các em. Sự quan tâm ở một số gia đình và địa phương hiện nay vẫn chưa đến nơi đến chốn. Thậm chí, nhiều người còn có sự xa lánh, kỳ thị khiến các em không thể xóa bỏ được mặc cảm tội lỗi. Cảm giác bị bỏ rơi hay kỳ thị sẽ làm các em tiêu cực và đó là con đường gần nhất khiến các em tiếp tục tái phạm.
Thượng tá Trần Hữu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 2 cho biết: “Có một học viên nữ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng là giết người, thầy cô phải mất nửa năm mới xóa được sự mặc cảm của học viên này. Từ một học viên lầm lì, ít nói, ngại tiếp xúc với mọi người, giờ em này trở nên sôi nổi, hòa đồng. Với các học viên phạm tội, sự gần gũi, động viên và chia sẻ sẽ là rất cần thiết. Sau nhà trường, gia đình và cả cộng đồng xã hội nếu làm được điều đó sẽ là bước tiếp theo để giúp các em quên đi quá khứ để hướng đến một tương lai tươi đẹp”.
* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.
A.Ngọc – X.Thắng/Báo Gia đình & Xã hội
0 blogger-facebook:
Đăng nhận xét