Thưa ông, ngành Giáo dục tỉnh Ninh Bình hướng đến Kỳ thi THPT năm 2016 với những mục tiêu nào? Sở GD&ĐT đã có những giải pháp nào để cụ thể hóa mục tiêu đó?
Nhiều năm gần đây, tỉnh Ninh Bình có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT và đỗ vào các trường ĐH, CĐ cao nên Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình đặt ra mục tiêu cho kỳ thi năm nay là giữ cho tỷ lệ này ổn định, kết quả kỳ thi phản ánh đúng chất lượng dạy và học tại địa phương; Tỉnh Ninh Bình sẽ nỗ lực để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, tạo thuận lợi cho thí sinh dự thi, đáp ứng được sự mong đợi của phụ huynh và các cấp ủy, chính quyền địa phương.
Sở GD&ĐT đã có nhiều giải pháp để cụ thể hóa mục tiêu trên đây. Ngay từ đầu học kỳ hai của năm học này, chúng tôi đã có những định hướng ôn tập đối với những môn tự chọn của học sinh; Sở đã cử giáo viên nhiều kinh nghiệm tổ chức ôn tập cho các em và tổ chức thi thử để đánh giá chất lượng học sinh, làm cơ sở để củng cố kiến thức trong quá trình ôn tập. Cùng với đó là rà soát lại điều kiện phục vụ học tập, củng cố về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để phát huy hiệu quả công tác giảng dạy, ôn tập trong các nhà trường.
Theo tinh thần chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, năm nay Sở GD&ĐT đã tham mưu cho chính quyền tỉnh Ninh Bình chuẩn bị những gì cho Kỳ thi THPT, phù hợp với những đặc thù của địa phương?
Để tổ chức kỳ thi đạt kết quả tốt nhất, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập BCĐ thi THPT quốc gia năm 2016 và đã phân công cụ thể nhiệm vụ hỗ trợ kỳ thi cho các ban, ngành của tỉnh là thành viên BCĐ. Đồng thời đã tiến hành kiểm tra cơ sở vật chất tại các điểm thi. Qua đó, các thành viên BCĐ thi kịp thời có những nhắc nhở, đề xuất những biện pháp khắc phục hạn chế, hoặc yêu cầu bổ sung những công tác còn thiếu ở các điểm thi, Hội đồng thi để đảm bảo công tác chuẩn bị, phục vụ kỳ thi được chu đáo nhất.
Năm nay, tỉnh Ninh Bình có hai cụm thi: Cụm thi dành cho thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ do Trường ĐH Mỏ địa chất chủ trì và cụm thi dành cho thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp do Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định tổ chức. Chúng tôi đã lên danh sách điểm thi để cùng với Trường ĐH Mỏ địa chất rà soát, phân loại các nhà trường đủ điều kiện tổ chức thi và đã thống nhất tổ chức ở 8 điểm thi tại tỉnh Ninh Bình.
Ở cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì, các điểm thi được đặt ở những trường phổ thông có điều kiện cơ sở vật chất thuận lợi nhất cho công tác coi thi. Cho đến nay, cơ sở vật chất tại hai cụm thi đã được chuẩn bị sẵn sàng, phục vụ tốt nhất cho công tác coi thi.
Đâu là những khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình chuẩn bị cho kỳ thi cũng như trong coi thi, chấm thi? Và tỉnh đã có những giải pháp khắc phục như thế nào để đảm bảo tiến độ các chuẩn bị, thưa ông?
Trong quá trình chuẩn bị, có một số khó khăn đã được chúng tôi lường trước. Chúng tôi xác định năm nay là lần đầu tiên tỉnh có địa điểm thi, xét tuyển ĐH, CĐ được đặt ở trung tâm tỉnh lỵ. Do vậy, cơ sở vật chất phục vụ cho cán bộ ở xa về làm thi, phục vụ cho thí sinh và người nhà ở xa là rất khó đáp ứng được. Đồng thời do lượng người tập trung về thành phố tăng đột biến nên phải đảm bảo các điều kiện về giao thông đi lại, điều kiện an toàn thực phẩm; Cùng với đó là tâm lý chủ quan của thí sinh khi thi tại tỉnh nhà.
Từ đó BCĐ của tỉnh đã có biện pháp rà soát những cơ sở lưu trú, nhà hàng trên địa bàn tỉnh và có những biện pháp để các cơ sở này cam kết không tăng giá, đảm bảo tốt nhất điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh và người nhà; Giới thiệu những cơ sở lưu trú uy tín cho thí sinh. Công an tỉnh đã có phương án đảm bảo giao thông trên địa bàn toàn thành phố Ninh Bình. Điện lực tỉnh có những phương án ưu tiên phụ tải là các điểm thi, hội đồng thi và bố trí các nguồn điện dự phòng cho phụ tải ưu tiên…
Sở GD&ĐT đã phối hợp với Trường ĐH Mỏ – Địa chất cử cán bộ, giáo viên tham gia công tác coi thi, chấm thi để đảm bảo tính khách quan, trung thực của kỳ thi. Ở cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì đã bố trí đủ số lượng 70% cán bộ coi thi là giáo viên các trường THPT tỉnh Ninh Bình và 30% cán bộ coi thi của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định.
Công tác in sao đề thi được Sở GD&ĐT chủ động tiến hành sau ngày 20/6. Khu vực in sao đề được cách ly, bảo mật 3 vòng, bảo mật tuyệt đối theo đúng quy định. Tiếp đó, đến ngày giao đề theo kế hoạch, sẽ tổ chức cùng với lực lượng công an đưa đề đến các điểm thi đảm bảo an toàn, bảo mật tuyệt đối.
Xin cảm ơn ông!
“Tại tỉnh Ninh Bình năm nay có tổng số 9.393 thí sinh đăng kí dự thi, trong đó thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ là 5.842 thí sinh và 3.551 em dự thi để xét tốt nghiệp THPT. Đến thời điểm này, các điều kiện về cơ sở vật chất đã cơ bản đáp ứng hoạt động của các hội đồng coi thi. BCĐ thi sẽ tổng kiểm tra lần cuối trước ngày thi nhằm rà soát tổng thể tại các điểm thi còn thiếu sót ở những khâu nào để kịp thời bổ sung. Đồng thời rà soát công tác ôn tập, bổ sung những kiến thức, kỹ năng cho học sinh”.
Ông Phạm Thanh Toàn
Ông Phạm Thanh Toàn
0 blogger-facebook:
Đăng nhận xét