Tổng cục Đường bộ VN vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất 2 phương án xử lý đối với trạm thu phí Đại Xuyên trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Phương án thứ nhất, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Công ty cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ (Công ty BOT) phối hợp tổ chức thu phí. 

Phương án thứ hai, VEC và Công ty BOT sẽ tổ chức thu riêng từng đoạn do mình quản lý.

Với phương án 1, 2 đơn vị nêu trên thống nhất dùng một loại vé điện tử theo công nghệ RFID, không dùng vé giấy thông thường như hiện nay. Khi vé do một bên phát hành ở cổng vào của một đơn vị, được quét ở cổng ra bên đơn vị khác, hệ thống tự động phân chia doanh thu, tính số lượng cần trao trả thẻ và cập nhật vào cơ sở dữ liệu của cả hai bên về lịch trình từng loại phương tiện.

Cùng với đó sẽ bố trí hệ thống đếm xe tốc độ cao, tin cậy 24/24 giờ bằng camera nhận dạng biển số ở các làn của trạm Đại Xuyên, ghi nhận mọi lượt xe chạy qua làm bằng chứng kiểm tra đối chứng.

Camera nhận dạng các xe đi từ đoạn đường do VEC quản lý sang đoạn đường do Công ty BOT quản lý sẽ do VEC kiểm soát và ngược lại. Qua đó, không có trường hợp xe chạy từ bên này sang bên kia thu tiền mà không báo cáo vào hệ thống của cả hai bên. Đây là phương án được Tổng cục Đường bộ VN đề xuất ưu tiên lựa chọn.
Tổng cục Đường bộ vừa đưa ra 2 phương án để giải quyết vấn đề của trạm thu phí Đại Xuyên.


Theo đại diện Tổng cục Đường bộ, ưu điểm của phương án này là sẽ dỡ bỏ được trạm thu phí Đại Xuyên, xóa bỏ bất cập về khoảng cách đặt trạm hiện nay (khoảng cách giữa hai trạm chỉ là 30km) và giảm ùn tắc giao thông. 

Bên cạnh đó phương án này sẽ giảm được chi phí vận hành bởi theo báo cáo của VEC, tổng chi phí vận hành mỗi năm khoảng 5,4 tỷ đồng với số nhân công làm việc thường xuyên trên 70 người, do đó sẽ nâng cao hiệu quả khai thác và khả năng hoàn vốn dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Còn theo phương án 2, VEC và Công ty BOT sẽ tổ chức thu riêng từng đoạn do mình quản lý. 2 bên tự phát hành vé và tự lắp đặt các thiết bị để tự tổ chức thu riêng, VEC tự thu phí đoạn Ninh Bình – Đại Xuyên do VEC quản lý, Công ty BOT tự thu phí đoạn Pháp Vân – Đại Xuyên do Công ty quản lý.

Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ, ưu điểm của phương án này là từng bên thu được kinh phí, không phải nhờ hệ thống phân chia do thu phí ngay từ làn vào trạm thu phí. Các thiết bị, nhân sự thu phí được tách bạch do không kết nối toàn tuyến. 

Tuy nhiên phương án này không sử dụng hết công năng của hệ thống thu phí đã đầu tư, tồn tại cả hai loại vé giấy và thẻ RFID, khó kiểm soát sự minh bạch, thu phí đối với các xe mua vé tháng, vé quý khi chạy không đúng chặng và phải trả lại tiền và in chứng từ chi do phương tiện không đi hết tuyến, mất nhiều thao tác. 

Theo phương án này thì trạm Đại Xuyên sẽ được sử dụng công nghệ thu phí tự động không dừng ETC nên đây sẽ là điểm nhận dạng phương tiện và cả 2 đơn vị sẽ cùng quản lý chung.

“Trong các phương án trên, chưa có phương án nào thực sự tối ưu mà không có tồn tại, hạn chế để lựa chọn, đề xuất. Do vậy, Tổng cục Đường bộ VN đề nghị Bộ GTVT tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, quyết định phương án thực hiện”, Tổng cục Đường bộ nêu rõ.

Liên quan đến việc thu phí này, đầu tháng 8 vừa qua, Chủ đầu tư cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã đề xuất dỡ bỏ trạm thu phí Đại Xuyên nằm ở đầu tuyến cao tốc này do ùn tắc giao thông.

Theo đơn vị này, trạm thu phí Đại Xuyên được xây dựng tại km212+315 nằm giữa hai dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình do hai chủ đầu tư thực hiện và khai thác với hai phương thức thu phí. Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tổ chức thu phí kín bằng thẻ cho dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình. Còn đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ do Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ quản lý thu phí bằng vé giấy. 

Theo VEC, sau hơn 4 năm đưa trạm Đại Xuyên vào hoạt động, tại đây xảy ra 146 vụ ùn tắc, chủ yếu vào những ngày lễ, cuối tuần. Từ khi trạm thu phí Đại Xuyên được khai thác bởi 2 đơn vị, tình hình ùn tắc càng nghiêm trọng, diễn ra ở cả hai chiều. Có thời điểm lưu lượng thời điểm lến đến 200-300 xe/giờ mỗi chiều di chuyển khi qua trạm do tốc độ lưu thông thấp. 

“Trạm thu phí được khai thác bởi hai nhà đầu tư dẫn đến quá nhiều thao tác: thu tiền đoạn trước, phát thẻ đoạn sau, gây tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Ngoài ra, hai trạm thu phí cách nhau 30 km là quá ngắn”, đại diện VEC cho biết.

Tuy nhiên, trước đề xuất của VEC, đại diện Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (chủ đầu tư cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) bày tỏ không đồng tình và cho rằng, trên cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình có hai dự án khác nhau với mô hình doanh nghiệp khác nhau, hạch toán độc lập nên các doanh nghiệp cần chủ động thu phí và quản lý nguồn thu của mình. 

Vạn Xuân

0 blogger-facebook:

Đăng nhận xét

 
Báo Ninh Bình © 2013. All Rights Reserved. Powered by Blogger
Top