Hàng nghìn tấn lốp cao su thải được tập kết về Nho Quan, Ninh Bình để Cty TNHH MTV Công nghiệp Hạ Long (Cty Hạ Long) chưng cất lấy dầu FO khiến người dân địa phương kêu trời vì bụi và mùi khét, trong khi chính quyền bảo không sao.
Người dân địa phương lo ngại vì bụi và mùi khét từ lốp cao su. Ảnh: N.T.
Người dân địa phương lo ngại vì bụi và mùi khét từ lốp cao su. Ảnh: N.T.
Dân kêu trời vì bụi và khét
Trước thông tin người dân xã Xích Thổ, Nho Quan (Ninh Bình) và xã Yên Bồng, Lạc Thủy (Hòa Bình) phải đeo khẩu trang đi ngủ, xem ti vi... vì ô nhiễm, chính quyền địa phương cho rằng, nhà máy đốt lốp cao su lấy dầu FO của Cty Hạ Long sử dụng công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường.
Xã Xích Thổ có 10 thôn, trong đó có thôn Liên Minh, Liên Mạc, Minh Long với gần 600 hộ dân nằm kế cận nhà máy. Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, nhà máy được triển khai xây dựng từ tháng 10/2013, đến đầu năm 2015 đi vào sản xuất, xử lý phế thải cao su (chủ yếu là lốp xe thải loại) thành dầu FO. Công suất của nhà máy đạt 800 tấn/ngày. Nhà máy được chia làm 24 lò nhiệt phân để tách lốp cao su lấy dầu FO. Số dầu FO sau khi chiết xuất được dùng để nung kính, thép phế liệu thu được sẽ bán cho các nhà máy sản xuất thép ở Thái Nguyên, than, các - bon đen xuất khẩu sang Trung Quốc…
Điều khiến người dân lo ngại là hàng nghìn tấn lốp cao su phế thải được tập kết về địa phương, bụi và mùi khét tỏa ra từ nhà máy này hằng đêm. Trò chuyện với phóng viên, chị Đinh Thị Diệu (35 tuổi, xã Xích Thổ) bày tỏ: “Gia đình có mấy sào ruộng gần nhà máy đốt lốp, mỗi khi đi làm đồng thường xuyên ngửi thấy mùi cao su khét lẹt, có hôm đeo 2 cái khẩu trang vẫn không chịu nổi”.
Ông Quách Văn Mạnh, Bí thư chi bộ thôn Mạnh Tiến 1, xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy, cho biết, cả thôn có 158 hộ dân với 600 khẩu đã có ý kiến về việc mùi khét từ phía nhà máy đốt lốp ở bên xã Xích Thổ gây ra. Bản thân gia đình ông cũng phải hứng chịu ô nhiễm hằng ngày.
Chính quyền bảo không
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Khắc Khoa, Phó giám đốc Sở TN&MT Ninh Bình, nói rằng, Nhà máy xử lý phế thải cao su và plastic của Cty Hạ Long đảm bảo các thông số kỹ thuật của Bộ KH&CN. Ngày 16/11/2015, Cục Cảnh sát môi trường (PC49), Bộ Công an có văn bản số 1530, kết luận về việc kiểm định môi trường tại Cty Hạ Long: “Các chỉ tiêu CO, SO2, NO2, NH3, H2S, bụi tổng, các chất hữu cơ bay hơi trong không khí chung quanh và không khí môi trường lao động đều đạt và không vượt quy chuẩn về môi trường”.
Trao đổi qua điện thoại, ông Đinh Văn Tiên, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan, cho biết các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã kiểm tra và khẳng định việc xử lý môi trường của nhà máy được kiểm soát. Các tài liệu quan trắc định kỳ cho thấy, số liệu nằm trong ngưỡng cho phép. “Thực tế, nhà máy đang hoạt động tốt, đảm bảo môi trường, tạo công ăn việc làm cho hơn 300 lao động, chủ yếu là người địa phương, nộp ngân sách hơn 20 tỷ đồng ngay năm đầu tiên hoạt động…”, ông Tiên nói. Theo nguồn tin của Tiền Phong, Tổng cục Môi trường sẽ kiểm tra toàn bộ nhà máy trong thời gian tới để làm rõ.
Từng đóng cửa nhà máy tương tự
Ngày 14/4, Sở TN&MT Ninh Bình có văn bản 519 yêu cầu Cty CP Gạch Kim Chính chấm dứt hoạt động chưng cất dầu FO từ lốp cao su phế thải và tháo dỡ công trình, trả lại mặt bằng trước 30/6. Trước đó, ngày 24/4/2015, kết quả do Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường Ninh Bình thực hiện cho thấy, nồng độ khí SO2 đo được tại khu vực xưởng chưng cất dầu FO từ lốp cao su phế thải của Cty CP Gạch Kim Chính tại xã Kim Chính, Kim Sơn, Ninh Bình cao hơn quy định cho phép 1,25 lần. Kết quả phân tích mẫu nước thải tại bãi tập kết xỉ của Cty cho thấy, các chỉ tiêu như COD, BOD5, TSS đều vượt quy chuẩn cho phép. Mỗi khi trời đổ mưa, số xỉ trên tràn ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước.

0 blogger-facebook:

Đăng nhận xét

 
Báo Ninh Bình © 2013. All Rights Reserved. Powered by Blogger
Top