Theo đó, trong mấy ngày gần đây, người dân tại một số xã ven sông Hoàng Long thuộc địa phận huyện Gia Viễn cắt lúa non (lúa đang ôm đòng) bán cho lái buôn Trung Quốc với giá 1,2 triệu đồng/sào. Việc làm này khiến nhiều người lo ngại rằng đây là một chiêu “chơi xấu” của các lái buôn Trung Quốc và sẽ làm ảnh hưởng đến nền nông nghiệp cũng như sản lượng lúa của tỉnh Ninh Bình.
Ông Nguyễn Văn Át kiểm tra ruộng lúa đang thời kỳ trổ bông của gia đình ở xã Gia Trung, huyện Gia Viễn.
Ngay sau khi nhận được thông tin, ngày 23.3 phóng viên Dân Việt đã về Ninh Bình khảo sát và ghi nhận thực tế thực hư tin đồn trên. Tuy nhiên trong suốt quá trình xác minh cũng như tìm hiểu thông tin từ người dân (người trực tiếp cấy lúa) tại địa bàn có tin đồn, chúng tôi không hề phát hiện trường hợp người dân nào bán lúa non cũng như gặp thương lái thu mua lúa non.
Nghe thông tin phản ánh từ chúng tôi, bà Vũ Thị Sợi ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn tỏ ra khá bất ngờ. Bà Sợi cho biết: “Việc người dân ở các xã của Gia Viễn bán lúa non là không hề có, đó chỉ là tin đồn sai sự thật”.
Ông Át cho biết: “Trung bình mỗi năm gia đình tôi cấy gần chục mẫu lúa, phần lớn các khâu sản xuất đều đã áp dụng máy móc nên không chỉ giảm được nhiều chi phí nhân công mà còn giúp năng suất tăng cao gấp nhiều lần sản xuất truyền thống”.
Theo bà Sợi, hiện nay phần lớn các ruộng lúa ở các xã thuộc huyện Gia Viễn đang phát triển tốt và chuẩn bị phụt đòng phơi màu, chỉ có một số ít ruộng ở xã Gia Trung nông dân cấy sớm hiện lúa đã ôm đòng, trổ bông. “Hàng chục năm cấy lúa, tôi chưa từng thấy nông dân cắt lúa non bán mà mọi người đều để lúa chín mới thu hoạch mang về phơi khô mới bán và để phục vụ chăn nuôi” – bà Sợi khẳng định.
Đang đặt bẫy chuột trên thửa ruộng của gia đình, thấy chúng tôi đến hỏi chuyện lúa, ông Nguyễn Văn Át (63 tuổi) ở xã Gia Trung, huyện Gia Viễn bức xúc: “Làm gì có chuyện dân bán lúa non cho ai, toàn tin đồn gây hoang mang dư luận làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xác minh thông tin người đưa tin đồn trên lên mạng để xử lý nghiêm trước pháp luật”.
Ông Xuân Tạo – Chủ tịch UBND xã Gia Trung, huyện Gia Viễn cho biết, thời điểm này đang vào mùa vụ nên lãnh đạo, cán bộ xã thường xuyên xuống các cánh đồng khảo sát xem tình hình sâu bệnh để hướng dẫn nông dân có biện pháp phòng, trừ kịp thời. “Chúng tôi chưa từng nghe cũng như thấy thương lái nào đến địa phương thu mua lúa non. Mà nếu có người đến thu mua thật thì người dân sẽ báo lên chính quyền, chúng tôi sẽ ngăn chặn ngay”.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Hà – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Ninh Bình cho biết: “Việc thu mua lúa đang làm đòng là có thật song không phải do thương lái Trung Quốc thu mua mà chủ yếu do các chủ cơ sở làng nghề ở các huyện Yên Khánh, Yên Mô… ký hợp đồng thu mua nguyên liệu với các hộ dân cấy lúa trên địa bàn đưa về nhằm mục đích sản xuất, chế biến ra sản phẩm thủ công có hình các con vật (sản phẩm được làm từ nguyên liệu là các cây lúa non được phơi khô rất dẻo, thơm) để xuất khẩu ra nước ngoài”.
Một số ruộng lúa cấy sớm ở xã Gia Trung, huyện Gia Viễn đã bắt đầu làm đòng, trổ bông.
Theo ông Hà, việc các cơ sở thu mua lúa đòng của bà con về làm nguyên liệu phục vụ làng nghề không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng lúa của tỉnh, ngược lại còn giúp cho người dân cấy lúa có thêm thu nhập. “Nghề quấn rơm khô xuất ngoại đã và đang phát triển tốt và mang lại thu nhập khá cao cho người dân một số huyện của Ninh Bình. Hiện, nghề này vẫn được tỉnh khuyến khích, ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, quan điểm của tỉnh là các chủ cơ sở thu mua lúa của bà con phải có hợp đồng rõ ràng để giúp cho 2 bên đều có lợi” – ông Hà khẳng định.
0 blogger-facebook:
Đăng nhận xét